Ngày hôm sau đi làm, Đường Dụ đương nhiên trở thành tâm điểm của sự chú ý, bị mọi người xung quanh ngó tới nhìn lui.
Những người nghe tin đi ngang qua văn phòng đều thò đầu vào nhìn cô một cái, rồi nói với trưởng phòng: “Lãnh đạo, tuyển dụng lao động trẻ em là phạm pháp đấy.”
Nói xong ai cũng cười nghiêng ngả, coi đó là một chút giải trí trong cuộc sống cống hiến cho tư bản nhàm chán.
Cả ngày hôm đó, Đường Dụ bị trêu chọc đến mức cạn lời, rồi cuối cùng cũng chấp nhận kiểu tóc mới này, ít nhất thì nó cũng không hoàn toàn vô dụng.
Sau giờ làm, Đường Dụ hẹn đồng nghiệp đến trung tâm thương mại gần đó ăn đồ ngọt. Chỗ ngồi của cô đối diện trực tiếp với tấm áp phích quảng cáo ở trung tâm thương mại.
Đó là biển cáo cho nhãn hàng cao cấp của Hề Cảnh Nhiên.
Đường Dụ sững sờ.
Đồng nghiệp theo ánh mắt của cô nhìn sang rồi thở dài: “Hề Cảnh Nhiên năm nay nổi khủng khiếp. Cậu biết không, lúc anh ấy ra mắt từ cuộc thi tài năng, chẳng được ai đánh giá cao cả, bị đóng băng mấy năm trời. Vậy mà không ngờ bài hát mới lại hot như vậy, một bước lên mây, đúng là muốn nổi tiếng thật không dễ dàng mà.”
“Mình biết, mình vẫn luôn thích anh ấy.”
“Thật vậy sao? Vậy thì cậu đã đầu tư đúng cổ phiếu rồi. Tháng trước không phải anh ấy viết một bức thư tay gửi đến người hâm mộ sao? Thật cảm động! Cảm giác tình yêu được đáp lại tuyệt lắm phải không?!!?”
Đường Dụ khuấy đều phần trái cây dưới đáy ly rồi mỉm cười: “Hẳn là tuyệt lắm.”
Bức thư tay đó lan truyền rộng rãi trên mạng nhưng cô chưa từng mở ra xem.
Tất cả những chi tiết liên quan hay không liên quan đều khiến cô nhớ đến Từ Dĩ An.
Trên đường về nhà, Đường Dụ xuống xe sớm một trạm để vào siêu thị mua một túi trái cây, mua xong cô xách túi chậm rãi đi về nhà.
Mới tốt nghiệp hai năm, cuộc sống của Đường Dụ giờ đây đã giống như một bà lão về hưu.
Về đến khu dân cư, Đường Dụ lên lầu, đến trước cửa khoá chống trộm, chìa khóa vừa chạm vào ổ khóa thì cánh cửa đã được mở ra từ bên trong.
Một người đàn ông cao một mét tám ba mặc áo khoác màu tối, đứng như một bức tường chắn trước cửa, nhìn thấy cô thì trên mặt anh rõ ràng là sững sờ: “Cậu…”
Sau bao năm xa cách, khát khao chiến đấu đang ngủ yên của Đường Dụ bỗng chốc được đánh thức, cô giữ chặt tay nắm cửa, cảnh giác nhìn anh ta: “Cẩn thận cái miệng của cậu đó.”
“Ừ…” Hứa Uý rũ mắt, đưa tay vuốt nhẹ mái tóc ngắn của cô ấy: “Bé Đường Dụ nhà ta đi học về rồi.”
Đường Dụ: “…”
Người vốn định rời đi vậy mà lại ngồi xuống ghế sofa phòng khách, bà Lưu giục Đường Dụ đi rửa tay nấu cơm.
Đường Dụ nói: “Con ăn ngoài tiệm rồi.”
Bà Lưu trừng mắt: “Có phải là nấu cho con đâu. Hứa Uý khó khăn lắm mới về nhà một lần, con nấu món sườn kho tàu đi.”
“Món đó nấu công phu lắm.”
Bà Lưu: “Đồ vô ơn, sau này mẹ già rồi nhờ con nấu cơm thì con cũng thái độ vậy à?”
“…” Bộ Hứa Uý kia là ba cô hay sao?
Đường Dụ cởi áo khoác và túi, khi cô đặt trái cây xuống bàn thì thấy trên bàn đã có một giỏ trái cây nhỏ khác để sẵn.
Quả sầu riêng được đặt một cách kỳ lạ ở tầng trên cùng, loại trái cây độc lạ này, trong nhà chỉ có mình cô thích ăn.
Đường Dụ liếc nhìn Hứa Uý, người đang lười nhác dựa vào ghế sofa, tay đang gọt vỏ một quả táo.
Hứa Uý là con riêng của người tái giá cùng dì nhỏ cô, chỉ hơn cô chín tháng tuổi nhưng đi học sớm hơn một năm, năm nay vừa tốt nghiệp cao học.
Đường Dụ cứ tưởng anh sẽ ở lại thành phố B.
Hai người từ nhỏ đã không ưa nhau, ngay cả bà Lưu cũng nói, mọi sự phản nghịch bên trong một đứa trẻ ngoan ngoãn như Đường Dụ đều từ Hứa Uý mà ra.
Đường Dụ bước vào bếp, mở tủ lạnh liếc qua một cái.
Muốn làm sườn kho tàu nhưng trong nhà cũng không đủ đồ để làm, trong tủ lạnh chỉ có một túi sườn non còn lại từ hôm qua.
Đường Dụ đang nhón chân lấy tạp dề thì phía sau cánh cửa trượt kêu một tiếng, cô không quay đầu lại mà nói: “Sườn kho tàu không làm được đâu, làm tạm sườn sốt Coca Cola mẹ có chấp nhận không?”
“Tạm được vậy.”
“…”
Đường Dụ quay đầu, trước tầm mắt cô chỉ thấy một thân áo len sẫm màu tiến lại gần, tạp dề đã bị ai đó lấy đi, một chiếc bát nhỏ mát lạnh được đặt vào tay cô.
Hứa Uý mặc tạp dề vào, anh quay người rút một cây tăm trên kệ rồi xiên vào miếng táo trên cùng: “Thôi, tôi sợ cậu bỏ thuốc độc giết chết tôi lắm, để tôi tự làm tự ăn vậy.”
Đường Dụ vì không phải làm gì nên vô cùng vui vẻ, cô xiên một miếng táo nhỏ cho vào miệng, táo giòn giòn, rất ngọt.
“Tôi cũng học nấu ăn từ dì, cái gì tôi biết thì cậu cũng đều biết.”
“Ừ.” Hứa Uý mở vòi nước rửa nồi.
Bếp không rộng lắm, khi xoay người dễ va chạm, Hứa Uý liếc cô: “Ra ngoài đi.”
“Ra ngoài cho bị mẹ cằn nhằn cả tối à, tôi không ra.”
“Bị dầu bắn vào thì đừng có mà khóc nha.”
“Ừ.”
Hứa Uý đang thái hành và gừng, anh nghiêng đầu nhìn cô một cái: “Tóc của cậu bị sao thế?”
“Sao là sao, làm tóc xém bị cháy chứ sao.”
“Xạo, nếu không liên quan gì đến Từ Dĩ An thì tôi uống cạn chai rượu nấu này.”
À, Đường Dụ 24 tuổi thích Từ Dĩ An 25 tuổi, Hứa Uý cũng biết.
Đường Dụ quay mặt đi, nói lấp lửng: “Chỉ là… sắp có họp lớp thôi.”
“Vậy ra cậu cắt kiểu tóc này với hy vọng rằng bản thân sẽ trở nên xấu xí trong mắt cậu ấy sao? Chơi đòn tâm lý ngược, cậu giỏi lắm!”
“…”
Đối phương chặn họng cô đã đành, lại còn ném cho cô một quả bom nguyên tử.
–
Buổi tối ăn cơm, bà Lưu và ông Đường vô cùng nhiệt tình, như thể Hứa Uý mới là đứa con trai thất lạc nhiều năm của họ. Còn Đường Dụ ôm quả sầu riêng bị đuổi ra phòng khách, dáng vẻ tiêu điều hiu quạnh.
Trong bữa ăn, người lớn làm sao mà nhịn được khi hỏi về đời sống cá nhân của Hứa Uý, anh giả vờ ngây thơ: “Công việc đã tìm xong rồi, tháng sau đi làm ạ.”
Ba Đường: “Công ty nào vậy con?”
Hứa Uý nói tên một công ty thiết kế, ba Đường gật đầu: “Cũng tốt đó. Nếu là đường Thượng Hà thì gần chỗ làm của Dụ Dụ phải không con?”
“Dạ.” Hứa Uý liếc nhìn ra phía sau: “Con vừa mua một chiếc xe cũ để đi lại, có thể đưa Đường Dụ về ạ.”
Tiếng của Đường Dụ vọng lại từ ngoài phòng khách: “Không thèm, tôi thích đi tàu điện ngầm hơn.”
Ba Đường cười mắng một câu: “Cái con bé kỳ cục này.”
Bà Lưu vẫn cố gắng kéo chủ đề về đúng hướng: “Còn bạn gái thì sao? Ba năm học cao học rồi, chắc cũng tìm được rồi hả con? Sao không dẫn về ra mắt mọi người?”
Hứa Uý chỉ đáp qua loa: “Bận quá ạ.” Không biết là bận không có thời gian yêu đương, hay bận không có thời gian đưa về.
“Ôi, dì của con cũng sốt ruột lắm, bà ấy cũng không tiện thúc giục con, nhưng con phải tự biết chứ.” bà Lưu nói, rồi lại chuyển hướng sang Đường Dụ: “Con bé nhà này cũng vậy, đi xem mắt bao nhiêu lần rồi mà chẳng có ai vừa ý nó cả.”
Hứa Uý cười cười: “Cô ấy kén chọn lắm.”
“Muốn kén chọn cũng phải có tư cách chứ. Con nhìn nó đi, ngoại hình bình thường, công việc bình thường, tính cách cũng chẳng có gì nổi bật… Giờ thì tốt rồi, còn làm kiểu tóc kỳ quặc kia nữa….” bà Lưu càng nói càng tức, lại tiếp tục mắng xối xả vào anh thợ tóc tội nghiệp.
Hứa Uý nắm bắt từ khóa: “Thứ Tư này có xem mắt ạ?”
“Đúng vậy, nhà của chàng trai kia điều kiện khá tốt, thật tiếc quá đi.”
Hứa Uý khẽ cười.
Sau bữa ăn, họ ngồi thêm nửa tiếng nữa rồi Hứa Uý đứng lên ra về, Đường Dụ được phân công tiễn khách.
Khu dân cư ở đây khá cũ, hành lang cầu thang vừa hẹp lại dốc. Hứa Uý đi phía trước, tay cầm điện thoại bật đèn pin để sau lưng, dáng người anh thẳng tắp, bờ vai rộng toát lên vẻ nam tính trưởng thành.
Đường Dụ bước xuống theo ánh đèn anh soi, miệng hỏi bâng quơ: “Mẹ tôi nói ngày mai cậu chuyển nhà mới à, có cần giúp không?”
“Hỏi cho có lệ hay hỏi thật lòng đó?”
“…”
Hứa Uý bật cười: “Mấy giờ cậu tan làm?”
“5 giờ.”
“Được, lúc đó tôi đến đón cậu.”
“Ờ…”
Người gì mà chẳng biết khách sáo chút nào.
Leave a Reply